Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Phù Thăng, một câu nói, một cuộc đời.

Nhà văn Phù Thăng đã mất vào trưa hôm 21 tháng Hai tại quê nhà, thọ tám mươi mốt tuổi.

Cuộc chơi nào rồi cũng đến phút chót. Nhưng cuộc đời của Phù Thăng không phải là một cuộc chơi. Như ông sinh ra là để chịu đựng vì những chuyện trái khoáy, lãng nhách. Rất may cho tôi là do kết hợp công chuyện, tôi đã về quê thăm vợ chồng ông vài tháng trước đây. Lúc đó ông chỉ nhìn, bắt tay chặt nhưng không nói gì nhiều vài cái ừ à hay một câu chào hỏi. Chị Phù Thăng là người tiếp chuyện. Cái gì cũng “ông ấy bảo…”, “ông ấy bảo” thế này, thế kia. Như là người phiên dịch vậy.

Ông là một người lính. Năm 1963, Phù Thăng đã là trung đội trưởng trinh sát trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1963 ông được độc giả biết nhiều nhờ cuốn tiểu thuyết “ Con nuôi của trung đoàn” rồi sau đó là “Phá Vây”. Nhưng đến cuốn sau thì “giữa đường đứt gánh”. Cuốn sách có trên 500 trang viết về chiến tranh thời chống Pháp, về người lính, chỉ có một câu như thế này: “ đời lính là đời quá nhọc nhằn”. Câu văn ấy được một người có uy lực phán ở đâu đó: “ Cả cuốn sách thì được. Nhưng sao tác giả lại viết một câu: “ Đời lính là đời quá nhọc nhằn..? Đang chống Mỹ Nguỵ, giải phóng miền Nam, viết thế ai còn muốn đi lính nữa?” Gậy nhạc trưởng đã giơ lên. Tiếp sau là một dàn đồng ca lên bổng xuống trầm. Một bản nhạc khá quen thuộc thường cất lên khi một nhà văn vì lý do gì đó mà ngã ngựa.

Từ đó không ai được đọc tiểu thuyết, thơ hay truyện ngắn của Phù Thăng nữa. Nhà văn Phù Thăng biến mất sau một câu nói. Chỉ còn một Phù Thăng phóng viên, biên kịch và một ông nông dân thực thụ sau khi về hưu.

Ông lặng lẽ rời quân đội, nơi ông gắn bó từ năm 1947, vì lý do ai cũng biết, sang làm phóng viên Báo Thể dục Thể thao. Rồi năm 1964, ông chuyển về làm biên kịch thuộc Xưởng phim truyện Việt Nam cho đến năm 1988 nghỉ hưu tại quê nhà. Cuối cùng thì cũng được về hưu, may mà không việc gì. Ai cũng mừng cho ông.
Phù Thăng từng là một hiện tượng. Hồi đó tiểu thuyết còn hiếm. Trong khi Nguyễn Khải viết Xung Đột, mô tả “cuộc đấu tranh chính trị” thì Phù Thăng viết về con người. Ông viết về những người lính. Như Hữu Loan từ năm 1947 đã từng viết về cuộc chiến trên Đèo Cả “ suối mang bóng người trôi những về đâu?”, Phù Thăng đã sớm nhìn ra con người lính nhọc nhằn. Mà văn chương không cho người ta nhìn thấy con người thì là thứ văn chương gì? Hữu Loan cũng đã từng bị chất vấn: “ Sao lại khóc một người chết trôi ( dù người đó là vợ mình) một cách bi lụy thế trong Màu Tím Hoa Sim? Sao lại nhìn thấy bóng lính “trôi những về đâu?”khi cuộc chiến còn khốc liệt? Và Phù Thăng thì khốn đốn vì đã viết “đời lính là nhọc nhằn”.

Bây giờ thì mọi sự đã qua. Chắc người viết và người phán đã gặp nhau, không còn cấp bậc. Có lẽ họ sẽ bắt tay nhau vui vẻ, cùng nói: “Gặp thời thế, thế thời phải thế!” ( T T&VH số 55 ngày 24/2/2008)
Nguyễn Quang Thân

Chuyện bên lề: Sau cuộc mừng thọ các nhà văn cao tuổi, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn bảo tôi: “ Ngày mai, tôi sẽ về Tứ Kỳ dự đám tang anh Phù Thăng. Anh ấy không phải là hội viên. Nhưng Phù Thăng là một nhà văn. Cứ phải là hội viên mới là nhà văn là một quan niệm không đúng”

Không có nhận xét nào:

Danh sách Blog của Tôi

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ Blog

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũng tàu, Bà Rịa Vũng tàu, Vietnam