Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Từ vụ Đoàn Văn Vươn, ngẫm lời Bác dạy” (kỳ 3)

(GDVN) - "Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động".
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn đề nông dân - nông thôn kỳ thực chưa thể kết thúc ngay ở bữa cơm trưa ngày 27 Tết Nhâm Thìn. Cả tuần lễ sau đó, mỗi khi nảy ra một ý nào đó thú vị về đời sống của người nông dân, anh lại gọi cho tôi, và tôi cũng vậy. 12h đêm hôm qua, Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn nhắn tin cho tôi khi đang công tác ở tỉnh Cao Bằng: “Tớ cứ cảm thấy hình như mình cũng có lỗi với người nông dân”.
“Một phản ứng tuyệt vọng dại dột”
Xung quanh vụ việc của Đoàn Văn Vươn thì hiện nay đã có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đại đa số đều cho rằng, cách hành xử của chính quyền huyện Tiên Lãng có nhiều điểm không rõ ràng. Tôi không đặt vấn đề với ông về chuyện đúng sai thế nào, vì rằng cái ấy đã có những người thực thi pháp luật và như ông nói rất may là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc. Chỉ có điều, tôi vẫn không hiểu, nếu chính quyền khăng khăng họ làm đúng, thì tại sao một người nông dân (có học đàng hoàng như anh Vươn) lại phải phản kháng?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ông Vươn sai thế nào thì rồi sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng ông Vươn không phải là một nông dân thuần túy, cũng không phải là người u mê, không hiểu pháp luật. Ông Vươn là trí thức. Là kỹ sư cơ mà. Ông ta cũng không phải kẻ càn quấy, dám cả gan đánh đu với luật pháp đâu. Tôi nghĩ rằng, đó là việc cực chẳng đã. Và ông ta rất hiểu cái giá mình sẽ phải trả. Biết vậy mà vẫn làm vậy. Một phản ứng tuyệt vọng và dại dột. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách ứng xử quẫn bách của một anh nông dân ở bước đường cùng. Người tỉnh táo và khôn ngoan không ai làm thế.
                              Hai anh em Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý
 Vậy ông Vươn tỉnh hay mê? Tỉnh. Tỉnh nhưng lại chọn phương án xấu nhất. Phương án của kẻ mê muội, là nổ súng vào chính quyền địa phương. Nói gì thì nói, đây cũng vẫn là phương án tồi tệ nhất mà ông Vươn phải trả cái giá đắt nhất. Bản thân ông ta sẽ phải tù tội, tiếp theo nữa là tan nát cả một gia đình và phá sản cả một cơ nghiệp. Nhưng hình như ông Vươn đã chọn phương án tồi tệ nhất này để gióng lên một tiếng chuông báo động, không phải báo động vụ việc Đoàn Văn Vươn mà là vấn đề Đoàn Văn Vươn. Đó là vấn đề đất đai. Chính tiếng mìn tồi tệ của Đoàn Văn Vươn, đã làm ta nhận ra rằng, sự việc không đơn giản như chúng ta nghĩ. Hãy xem cách ông Vươn chọn luật sư bào chữa cho mình. Trong khi các cơ quan chức năng giới thiệu luật sư, rồi chính vợ ông Vươn cũng đã chọn luật sư. Nhưng ông đều từ chối hết, dù những người đó đều ủng hộ ông, muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp tới cùng cho ông. Nhưng ông Vươn chỉ chọn duy nhất một luật sư thôi, và đó là người rất hiểu ông ta, hiểu được lý do vì sao ông ta phạm tội.
Ông Vươn đã trả lời phóng viên: “Tôi có đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân song tôi muốn bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân tôi sai phạm. Tôi đề nghị cho phép tôi được mời đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Công ty luật Đông Đô, Hà Nội là người bào chữa cho tôi trong quá trình tôi chấp hành điều tra xét xử”. Vấn đề là như vậy. Đây thực sự là một bài học đau xót. Thật tiếc cho ông Vươn và cũng thật tiếc cho những nhà quản lý ở sở tại.
Chỉ tội một nỗi, nhà của anh Vươn cũng bị phá rồi còn đâu, mà căn nhà ấy lại không nằm trong phần đất bị cưỡng chế. Thế rồi, vợ con anh ta phải đón Tết trong nỗi buồn vô hạn. Ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng đã trả lời là phá, vì đó là nơi ẩn trú của kẻ phạm tội. Nhưng rồi sau đó ít ngày vị Phó Chủ tịch thành phố “sửa” lại, là do dân phá. Người dân quanh đó phản ứng dữ dội lắm, vì họ vốn là hàng xóm tốt của anh Vươn, có lý nào mà họ lại phá nhà của anh ấy? Nếu "chẳng may", có bàn tay của cán bộ nhà nước dính vào việc phạm pháp, thì ông nghĩ sao về cách hành xử này?
Nhà Thơ Trần Đăng Khoa: Đây là một việc rất không nên, cho dù Đoàn Văn Vươn có vi phạm pháp luật, và nếu ông Vươn có tội thì thiếu gì cách bắt giữ, chứ đâu phải đến mức phá nhà người ta, mà lại phá cả nhà không nằm trong khu giải tỏa, đến nỗi vợ con người ta phải dựng lều ở trong ngày Tết là rất không ổn. Trong khi chúng ta vẫn nói chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Phạm Thế Duyệt - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam: “Mọi vấn đề đều có cách giải quyết, cách này chưa đúng thì vẫn còn cách khác, phải giải quyết mọi việc trên cơ sở lấy dân làm gốc”.
 
                                            Căn nhà của gia đình ông Vươn bị san phẳng
Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mặc dù tuổi đã cao, nhưng trước vụ việc này, ông cũng rất quan tâm và đã nhấn mạnh rằng: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”.
Tôi tin rằng, nếu có hỏi bất kỳ một vị lãnh đạo nào của Đảng và Nhà nước thì các đồng chí ấy cũng sẽ đều có quan điểm như vậy. Rất may các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc. Tôi tin mọi trắng đen sẽ rõ trong một ngày rất gần đây.
Ngẫm lời Bác dạy…
Nhân chuyện ông nói tới cách hành xử của những người có chức quyền tại huyện Tiên Lãng, tôi còn nhớ đã đọc được khá nhiều chuyện kể rất cảm động về Bác Hồ. Bác sống rất đạm bạc, giản dị. Bữa ăn của Người chỉ như là bữa ăn của một nông dân nghèo. Khi tiếp khách nước ngoài, Bác vẫn luôn giản dị như vậy, bộ quần áo nâu và đi đôi dép cao su. Ấy thế nên có một đồng chí cán bộ tỉnh tỏ ra ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng, trách Dân không chu toàn với Bác…”. Bác cười hiền lành: “Bác sống thế này mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bác Hồ là một tấm gương sáng. Ở thời Bác, có chuyện đau lòng nào như thế xảy ra đâu. Trong một bài viết về Bác cách đây chưa lâu, tôi có nói rằng, thi thoảng, trong đời sống công chức, chúng ta vẫn thường làm một việc không lấy gì làm mới mẻ: Kê khai tài sản. Nhìn bản Kê khai, ta lại mủi lòng: Sao mãi mình vẫn chưa giàu được nhỉ? Và rồi, ta lại được an ủi. Hóa ra ta vẫn chưa phải là người nghèo nhất. Ngay cả một người nông dân chân lấm, tay bùn, ở dưới đáy xã hội, nhưng vẫn có mảnh vườn, cái ao, hay chí ít cũng có con lợn, con gà. Nghĩa là vẫn có tài sản. Chỉ duy nhất một người dường như không có gì cả, một người nghèo nhất nước. Người đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lục lọi trong tiểu sử Bác, đến cả nhà riêng của Người, ta thấy Người có gì? Một tấm áo kaki, đôi dép cao su, chiếc quạt bằng lá cọ… Vật chất là thế đấy. Còn tinh thần ư? Bác cũng là người duy nhất không có bất kỳ các loại Huân, Huy chương gì, đến cả sơ đẳng nhất là Bằng khen, Giấy khen, Người cũng không có. Bác còn là người nghèo nhất cả trong cõi riêng tư. Một người nghèo nhất nước như Bác, nhưng lại để cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp Cách mạng chói ngời, một tấm gương trong sáng và lối sống cao đẹp đến tinh khiết. Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Bác luôn hướng đến người lao động. Bác đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Nghĩa là Đảng của tất cả mọi người, vì ai mà chẳng là người lao động.
Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo. Vào những dịp tết đến, xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết. Chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, rồi tuyên truyền, đưa tin. Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ. Một chị lao công, ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn đi gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang, không có cả nải chuối, tấm bánh. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên căn nhà chị. Bởi thế, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong căn nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác…Gia đình cháu khổ lắm…Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu..”. “Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai?...”. Chị bật khóc. Và Bác cũng khóc.
Cuộc đời của Bác, nếp sống của Bác là một bài học lớn cho các cán bộ cấp dưới. Ta hiểu vì sao trong những năm chiến tranh, đất nước loạn lạc, mà xã hội lại rất thanh bình, lòng dân không ly tán. Ra đường không lo trấn lột. Về nhà không sợ trộm cắp. Cũng không có tham nhũng, đĩ điếm. Một đời sống lành mạnh giữa một bầu khí quyển trong veo. Một người suốt đời sống vì dân, lo cho dân, ngay trong những giây phút cuối cùng giã từ cõi đời, phần nói về mình, Về việc riêng, Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 chữ. 79 chữ tổng kết cả một đời người 79 năm, trong một ít chữ phong phanh ấy, Người cũng lại chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ điếu phúng linh đình để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vợ con ông Vươn phải dựng tạm cái lều nhỏ trong mùa Đông giá rét thế này thì thật đáng thương
Trọn đời, Bác Hồ mong muốn “người cày có ruộng” và điều đó đã thành sự thật. Bám đồng, bám ruộng là cuộc sống của người nông dân, cho dù một nắng hai sương, đổ mồ hôi nước mắt để đổi lấy hạt gạo. Tôi cũng sinh ra ở một làng quê nên tôi rất nhớ khúc đồng dao này: Lạy giời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy khúc cá to... Rõ khổ, người nông dân bao đời mà chỉ có một điều ước đơn giản như vậy. Thế mới thấy rằng, từ bao đời trước, người nông dân mơ ước chỉ một bát cơm trắng thôi, một khúc cá cũng đã là xa xỉ với họ, chứ nói chi tới món nọ, món kia nữa… Và tôi vẫn thường nghe bà nội kể chuyện, trước đây nhà tôi cũng không phải diện quá nghèo, ấy thế mà vẫn phải khoai sắn, bo bo ăn độn quanh năm, mà cũng chẳng được no. Làm quần quật từ sáng tới khuya mà vẫn thiếu ăn, thế mới lạ chứ. Hồi tôi học cấp một, cách đây hơn hai mươi năm rồi, có một lần mẹ tôi nấu thử nồi cơm độn khoai lang. Ăn thử thì thấy nó cũng là lạ, nhưng phải thú thực, tôi chẳng nuốt nổi vài miếng… đấy là có cơm, có khoai, còn theo lời các cụ thì ăn hạt bo bo mới khiếp vía, khô như ngói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nông dân thời xưa, nếu có cơm độn khoai lang mà ăn thì đã là tốt lắm đấy, chứ nào dám ước gì hơn. Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói. “Đói ngày giỗ cha, no ba hôm Tết”, các cụ xưa đã nói vậy. Chỉ ngày Tết mới có bát cơm trắng, còn thì quanh năm ăn độn. Một hạt cơm cõng đến mấy hạt ngô. Nhiều nhà còn lấy gốc rau muống già băm nhỏ, rồi phơi khô, nấu trộn với cơm. Xới bát cơm trông cứ đen như bát... phân trâu. Nhai miếng cơm như nhai chão rách.
Bây giờ thì chẳng cần phải lạy ông giời cũng có bát cơm đầy và khúc cá to rồi. Nhưng nông dân thời nào cũng vẫn khổ. Tôi chợt nhớ lần về quê, sang thăm bà cô, thấy trên tường ngổn ngang những vệt vôi quệt. Cái dấu cộng (+). Cái dấu trừ (-). Tôi ngạc nhiên: “Hợp tác xã tan rồi, sao cô vẫn còn ghi công điểm gì thế này?”. “Công điểm gì đâu cháu. Đây là những món nợ đấy!” Thấy tôi ớ ra, bà cụ mới giải thích cặn kẽ. Đây là bát riêu cá nhà Độ. Đây là khúc cá rán nhà Toán. Còn đây là bát canh rau ngót nhà Thiều. Thì ra có món gì ngon, bà con hàng xóm thương cụ, cho bà cụ miếng gì, bà cụ lại quệt một vệt vôi lên vách. Để nhớ đấy là một món nợ. Thế rồi nhà có món gì ngon, cụ cũng lại sai con cháu mang sang biếu lại, rồi quệt lên vách dấu cộng. Coi như ơn nghĩa đã được trả xong.
Nông dân mình là thế đấy. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đảng, chính phủ chia cho họ một cái nồi đồng, một cái chảo gang, một cái cối đá trong cải cách ruộng đất, cũng đủ để họ nhớ suốt đời, biết ơn suốt đời. Rồi họ mang xương máu của chồng, của con, của chính họ ra để trả nghĩa. Hàng triệu người chết trong mấy cuộc chiến tranh. Hàng vạn người cho đến tận hôm nay vẫn không tìm thấy được hài cốt. Họ chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, dĩ nhiên là như vậy rồi, nhưng không hẳn chỉ có như vậy. Sự đền ơn trả nghĩa ấy mới thiêng liêng và dữ dội biết bao. Nông dân mình thế đấy. Họ tốt vô cùng. Vì thế bây giờ, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, đất nước đã yên hàn mà người dân lại thấy bất an, khổ hạnh là chúng ta có lỗi. Trong tòa án lương tâm này, chẳng ai vô can cả. Cả tôi và chú, ở một góc nào đó, chúng ta cũng là kẻ tội đồ. Có phải thế không?
Nói rồi nhà thơ im lặng. Chưa bao giờ tôi thấy ông buồn như thế. Vậy mà có người bảo, Trần Đăng Khoa là một gã tếu táo, bông phèng, và luôn chọc cười. Ông cũng hay cù cho thiên hạ cười. Có người bảo: Người hay cười là người không thể khóc được. Có lẽ như vậy chăng?
Ngọc Quang 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vụ Đoàn Văn Vươn là bài học đau xót (kỳ 2)

(GDVN) - “Tại sao một trí thức, một người cần cù, rất hiểu cái giá phải trả cho mỗi hành động của mình mà lại nổ súng vào lực lượng cưỡng chế?".
Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam về chủ đề nông dân, nông thôn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề cập tới câu chuyện thời sự đang thu hút sự chút ý của dư luận: vụ cưỡng chế ở Hải Phòng. Theo nhà thơ, mặc dù hành vi của ông Vươn và nhiều đối tượng trong vụ án là phạm pháp nhưng câu chuyện xảy ra với gia đình người nông dân này cũng khiến cho nhiều người thương cảm, nhất là khi vợ con anh ta phải đi ở nhờ, rồi dựng tạm túp lều sống qua ngày, còn nhà thì đã bị đập nát. Ngay cả chuyện thu hồi đất, rất nhiều người từng là lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng đặt câu hỏi: Thu hồi để làm gì?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử hỏi chúng ta có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn? Cho nên, tôi có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển mang tính tự phát. Nhơm nhếch và hoang dại một cách rất hiện đại.
Tôi nhận thấy một điều thế này, bây giờ các làng quê còn giữ được nét nguyên sơ như ngày xưa không còn nhiều, nhất là những vùng ở ven đô thị. Nó bị biến thành một phần của đô thị, vì nhiều lý do khác nhau. Còn những làng quê giữ được cái nét đặc trưng của nó thì có điểm đặc biệt là dân ở đó nghèo, ví như làng cổ Đường Lâm chẳng hạn…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính dân tộc, thuần chủng thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó. Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng, chỉ còn một nơi giữ được, là làng Đường Lâm (Hà Nội). Nhưng Đường Lâm giữ lại được không hẳn vì người dân có ý thức, mà vì đó là vùng quê rất nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể phá làng được. Và ông Hữu Ngọc có kết luận rất đau xót thế này: “May mà cái nghèo, cái đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa băn khoăn: Tại sao một trí thức như Đoàn Văn Vươn lại phải hành động như vậy?
Vậy nghĩa là sẽ không còn cái sự bần hàn nếu hết nông dân?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Điều đó có xảy ra thì tôi và chú cũng đã biến khỏi cái thế giới này lâu lắm rồi (Cười). Nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể bỏ cây lúa được. Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để đời sống của người nông dân giàu lên? Vai trò của người nông dân rất quan trọng. Hãy cứ xem trong cuộc kháng chiến, con em ai hy sinh nhiều nhất? Xin trả lời ngay đó là con em nông dân.
Bây giờ, vẫn còn hàng vạn con em nông dân nằm dưới lòng đất mà không tìm thấy hài cốt. Cho nên, chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để người nông dân có thể sướng được, làm giàu được thì sự hy sinh ấy mới có ý nghĩa. Làm sao để họ có thể sống được, sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình. Về vấn đề này, Lênin nói rất hay: “Hãy để người nông dân nghĩ trên luống cày”. Tôi nghĩ cái đó rất đúng. Chính luống cày sẽ dạy cho họ cách sống và cách làm giàu như thế nào. Mặt trái của tiến trình đô thị hóa đã khiến nhiều làng quê không còn nữa, cái giàu của nông dân là cái giàu giả. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng ô tô, xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường.
Và nông dân, có lẽ cái cách họ ứng xử đôi khi đáng trách mà cũng thật đáng thương, như trường hợp của Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) chẳng hạn…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Phải xem vụ Đoàn Văn Vươn là một bài học đau xót. Tại sao một trí thức, có học, một người cần cù, rất hiểu luật pháp, rất hiểu cái giá phải trả cho mỗi hành động của mình mà lại nổ súng vào lực lượng cưỡng chế? Dù Đoàn Văn Vươn đang chịu nhiều nỗi ấm ức, nhưng cái cách chống trả lực lượng chức năng như vậy cũng là không nên, và đó cũng là cách hành xử rất… nông dân. Có người bảo, đấy là “tức nước vỡ bờ”, một kiểu phản kháng của Anh Pha, Chị Dậu thời hiện tại. Và không dừng lại ở đấy đâu, nếu các nhà quản lý không rút kinh nghiệm, không lấy đó làm một bài học cay đắng. Một người đã bỏ toàn bộ tài sản, công sức khai hoang, phục hóa, biến cả một vùng đầm lầy nước mặn thành ruộng vườn, đầm bãi, đến khi thu hoạch thì lại bị mất tất cả.
                                 Chị Thương (vợ anh Vươn) trong túp lều dựng tạm
 Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã chỉ rõ rằng, trường hợp này Đoàn Văn Vươn vẫn được quyền sử dụng đất, chỉ trừ trường hợp ông ấy để không trong một năm trời không đưa vào khai thác (mà điều này thì đã được loại trừ), còn trường hợp khác là nhà nước sử dụng cho công trình an ninh quốc phòng, an sinh xã hội thực sự quan trọng, nhưng trường hợp này cũng không phải. Thế thì thu đất để làm gì? Nếu thu để rồi lại giao cho người khác thì cần phải xem lai. Và nếu đã thu của người ta thì phải đền bù cho công sức, tiền của người ta đầu tư vào đấy. Vả lại chỉ có giải tỏa một khu đất mà lại huy động  cả một lực lượng lớn cảnh sát, bộ đội thì có nên không? Rồi lại thu vét cá trong ao đầm người ta, phá cả nhà cửa của người ta không nằm trong khu giải tỏa, với lý do là nơi cố thủ của kẻ chống đối, nhưng rồi lại chẳng bắt được kẻ “chống đối” nào trong căn nhà đó.
Vậy họ thoát bằng cách nào trước sự vây bủa của hàng trăm cảnh sát và bộ đội? Đây là một vụ việc rất đau xót. Một vụ việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ cụ thể của nó. Rất may, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cần phải làm rõ trắng đen. Ai sai và sai đến đâu thì phải chịu  trách nhiệm đến đó. Chúng ta hãy chờ xem…
Tôi thì nghĩ tới một chuyện khác xa xôi, người nông dân đó hành động dại dột, rồi đây cái hệ lụy mà vợ con anh ta phải chịu đựng sẽ rất ghê gớm. Chị Thương, vợ anh Vươn sẽ “một vai hai gánh”, vừa phải chăm con, vừa phải lo cả chuyện làm ăn… nhưng tôi cũng tin rằng, rồi đây mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ… Ở các vùng quê, người nông dân vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực, nhất là chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, đôi khi họ cũng phải chịu đựng sự ấm ức, nhưng dù sao đi chăng nữa, tôi vẫn thích cuộc sống ở làng quê hơn, vì ở nơi đó tôi thấy tình người luôn ấm áp. Cuộc sống ở phố xá khiến cho rất nhiều người bị bao chặt bởi một kiểu quan hệ vụ mùa, nhân dịp này nọ… ấy thế nên có một người bạn của tôi đã chia sẻ rằng, cậu ấy không dám đến nhà sếp chơi, cho dù là tình cảm quý mến thực sự chứ không có ý nghĩ đến nhờ vả gì, vì sợ bị mang tiếng “quan hệ vụ mùa”. Còn ông thì sao, có khi nào ông nghĩ đến một lúc mình sẽ về quê sống?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi luôn sống với ý nghĩ như vậy, ở thành phố có thể tạo ra những kỹ sư giỏi, những nhà khoa học, nhưng trở thành một nhà văn, một nhà thơ thì vô cùng khó khăn. Hãy thử nghĩ mà xem, mở cửa ra, đập vào mắt chỉ toàn là cột điện, chỉ toàn khói và bụi, tiếng xe gầm gào suốt ngày đêm. Ở thôn quê, bầu không khí thật trong lành, có những cánh diều no gió, những cánh đồng bát ngát, chỉ nhìn những con gió đùa mơn man trên đầu lũy tre làng cũng khiến ta bồi hồi xúc động… Mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố nhưng mọi mối quan hệ vẫn ở làng quê. Bố mẹ tôi không chịu ra thành phố. Cụ bà bảo, “cái dân phố xá nó không có tình cảm. Nhà bên này có tang, nhà bên cạnh lại mở nhạc xập xình. Thế thì sống chung với họ sao được hở giời!”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa luôn trăn trở, đây là một nông dân nhưng được ăn học đàng hoàng, vậy thì tại sao lại phản ứng đến vậy? Ông như muốn khóc khi nhắc đến cảnh vợ con của Đoàn Văn Vươn phải đi ở nhờ, rồi dựng một cái lều ở tạm trong những ngày mưa gió rét buốt. Ông cũng có những góc nhìn rất thú vị về cách hành xử của cán bộ lãnh đạo và nêu những thí dụ rất xúc động về Hồ Chủ tịch đáng kính của dân tộc Việt Nam. Mời độc giả đón xem kỳ cuối vào sáng 7/2.

Ngọc Quang

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Đức: Tìm thấy quần bò người Việt may vào năm 1984

Solveg Sharr và chiếc quần bò nửa tháng lương năm 1984, ảnh: zgt.de.
Triển lãm ở Bremerhaven về thời hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đông Đức sau khi kêu gọi giúp đỡ đã tìm được một chiếc quần bò cũ do chính tay những công nhân Việt Nam may vào năm 1984.
Một vài ngày trước, trung tâm dành cho những người di cư tại thành phố Bremerhaven đã kêu gọi người dân giúp họ tìm kiếm một vật trưng bày khá thú vị, đó là chiếc quần bò may nhái các hãng hiệu phương tây của công nhân Việt Nam lao động tại Đông Đức cũ. Vào thời đó, những chiếc quần nhái này được bán rộng rãi trên thị trường. Một gia đình ở Sallmannshausen sau khi đã mở tủ quần áo cũ để tìm nó.
Người Việt đã biến nhà thành xưởng may
Khu nhà trọ của công nhân Việt Nam ngày đó không khác gì một cơ sở sản xuất thực thụ. Nhiều người cho rằng họ làm việc rất có tổ chức. Một vài người trong số họ chuyên chịu trách nhiệm tìm kiếm vải và các phụ tùng phục vụ cho việc may quần bò như đinh, cúc và các loại mác. Còn những người biết may vá sẽ cho ra sản phẩm. “Trong mỗi phòng trọ có ít nhất là một cái máy khâu và những chiếc quần bò nhái đã ra đời tại đây,“ một người gửi email đến chia sẻ.
Người Việt đến Đông Đức vào năm 1948, ảnh: Bundesarchiv.
Người Việt đến Đông Đức vào thập niên 80, ảnh: Bundesarchiv.
Bắt gặp một kỉ vật như vậy hai mươi năm  sau khi chính quyền cộng sản bị lật đổ quả là một điều không hề dơn giản. Chẳng có lý do gì để người ta giữ lại thứ rẻ tiền cũ rích trong khi người ta có thể mua đồ mới hơn, đẹp hơn. Hơn nữa, có ai lại cất giữ trong tủ một chiếc quần đến 25 năm không? Có vẻ khá kì quặc, nhưng nó đã được tìm ra.
“Hôm nay tôi vừa đọc được bài báo tìm kiếm quần bò. Chúng tôi còn giữ một chiếc quần bò như vậy. Chồng tôi để nó trong tủ quần áo suốt bao nhiêu năm nay“, bà Scharr ở Sallmannshausen viết trong email.
Thử quần bò Việt ngay trên tàu
Bà Scharr kể rằng ngày ấy bà và ông làm việc trong một nhà máy ở Eisenach. “Hàng ngày, sau giờ làm việc, chúng tôi đi tàu về nhà. Trên chuyến tàu đó thường xuyên có một nhóm người trẻ tuổi đi cùng. Trong nhóm đó có một người đàn ông có quan hệ rất tốt với người Việt Nam chuyên may và buôn bán quần bò khá quy mô ở Eisenach“, bà kể. Vào khoảng giữa năm 80, khi ở Đức rộ lên mốt quần bò hiệu, người đàn ông này đã mang những chiếc quần bò nhái của người Việt Nam đi bán. “Một lần trên tàu, trong phòng chúng tôi ngồi không có ai, vậy là tôi và chồng tôi đã quyết định thử quần bò ngay trên tàu,“ bà Scharr nhớ lại. Khi đó, giá một chiếc quần bằng nửa tháng lương của một kế toán kỹ thuật.
Công nhân Việt Nam may rất giỏi, ảnh: Bundesarchiv.
Công nhân Việt Nam may rất giỏi, ảnh: Bundesarchiv.
“Tiếc là ngày ấy tôi chỉ có thể mua một chiếc“, bà nói. Lương của bà, một kế toán kỹ thuật lúc đó mỗi tháng được 400 Mark. Trong khi đó người đàn ông kia bán cho bà chiếc quần bò Montana với giá 260 Mark. Bà đã không tin rằng số tiền lớn này sẽ đến được tay những người công nhân Việt Nam.   
„Chất liệu vải rất tốt, may với dáng kinh điển, những đường chỉ và cả khóa vẫn giữ nguyên được đến bây giờ,“ bà Scharr đánh giá về chiếc quần trị giá  nửa tháng lương của mình ngày ấy và có ý sẵn sàng tặng lại cho triển lãm“.
Nguy Nga

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Office của tôi


QUÂN LỘC K8 Imperial Hotel Vũng Tàu ngày 16 tháng 02 năm 2012


Cần một đội ngũ những nhà chính trị chuyên nghiệp

Nguyễn Sĩ Dũng

Một nền quản trị quốc gia chuẩn mực sẽ như một cỗ máy chạy tốt, giúp đạt được những sản phẩm mà người sử dụng mong muốn. Còn với một cỗ máy được thiết kế lạc hậu, không phù hợp thì càng vận hành càng phát sinh nhiều vấn đề, càng đẻ ra nhiều phế phẩm.
Có thể thấy rằng mô hình quản trị hiện nay của Việt Nam, thực chất, vẫn theo những nguyên tắc cơ bản của mô hình Xô viết, mà chưa thay đổi về hệ chuẩn. Một số trong những khiếm khuyết rất lớn của mô hình Xô viết là sự chồng chéo chức năng, hệ thống chế độ trách nhiệm trước dân ít hiệu quả.

Hiện nay, chúng ta đang cố gắng cải tổ quản lý nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn, tuy nhiên, nếu không thiết kế được một hệ thống trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ dân phù hợp, thì đây là một nhiệm vụ khó khăn. Chỉ khi nào tiếng nói của người dân có ảnh hưởng trực tiếp trong việc quyết định vị trí của người lãnh đạo, thì khi ấy người lãnh đạo mới chịu áp lực để toàn tâm toàn sức phục vụ dân.

Một điểm yếu khác trong mô hình quản trị Nhà nước hiện nay là sự lẫn lộn giữa vai trò giữa các chính khách và các công chức. Xảy ra tình trạng các công chức lại thích nói chuyện chính trị, giỏi nói chuyện chính trị, nhưng lại hoàn toàn không thạo việc, không biết triển khai một chính sách đã được thông qua như thế nào. Ngược lại, nhiều chính khách lại ham điều hành các công việc cụ thể. Họ, tất nhiên, không giỏi về điều hành và lại gỡ bỏ mất hệ thống trách nhiệm đối với các công chức.

Chúng ta thiếu một đội ngũ chính khách chuyên nghiệp. Một chính khách chuyên nghiệp phải có những kỹ năng khác với một công chức. Kỹ năng của chính khách là xác định  các mục tiêu cần ưu tiên thực hiện và thuyết phục, vận động được sự ủng hộ để có thể hiện thực hóa thành những chính sách cụ thể. Như vậy, kỹ năng của nhà chính trị ở đây là tập hợp được lực lượng ủng hộ các chính sách, chứ không phải là lên kế hoạch triển khai, phê duyệt, ra lệnh, kiểm tra...

Do thiếu vắng các chính khách chuyên nghiệp nên đã có những chính sách được thông qua vội vàng trong bối cảnh chưa thu được sự ủng hộ cần thiết từ người dân, từ xã hội.

Để tránh tình trạng những hạn chế, bất cập sẽ tiếp tục phát sinh ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn, nhất thiết chúng ta cần điều chỉnh cỗ máy Nhà nước sao cho tương thích với những đòi hỏi tự nhiên của một nền kinh tế, xã hội đang phát triển đi lên. Nhu cầu xã hội hiện nay đang đòi hỏi một đội ngũ những chính khách chuyên nghiệp hơn, với một mô hình quản lý mới, trong đó có sự tách bạch giữa chức năng của các chính khách với những người thực thi công vụ. Đồng thời, một nhiệm vụ không thể bỏ qua là việc xác lập một chế độ trách nhiệm trước dân rõ ràng và một hệ thống khuyến khích phục vụ dân hiệu quả.

Theo :http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4913

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

XÍ NGHIỆP KHAI THÁC DẦU KHÍ LIÊN DOANH VIỆT NGA "VIETSOVPETRO" KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP VÀ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU ANH HÙNG

CHƯƠNG TRÌNH
SƠ ĐỒ CHỖ NGỒI
 CÁC NGHỆ SĨ NGA HÁT QUAN HỌ
CÁC THẾ HỆ GIÁM ĐỐC XNKTDK GẶP MẶT CÙNG CÁC LÃNH ĐẠO BAN NGÀNH TƯ
CHỦ TỊCH HĐTV PVN PHÙNG ĐÌNH THỰC PHÁT BIỂU DẶN DÒ

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Thành phố “hạt tiêu” đánh bại mafia


Nhờ bất chấp mọi nguy hiểm để vùng lên, người dân thành phố Ercolano của Ý từ nay không còn phải đóng thuế bảo kê cho mafia.
Mafia Ý vươn vòi bạch tuộc ra khắp đất nước hình chiếc ủng nhưng khu vực phía nam mới thật sự là địa bàn hoạt động quan trọng nhất. Ở đây có “tổng hành dinh” của 4 tổ chức tội phạm chính: Ndrangheta ở Calabria, Camorra ở Napoli, Cosa Nostra ở Sicily và Sacra Corona Unita ở Apulia. Mật độ thế lực ngầm dày đặc đến thế nên việc thành phố Ercolano trở thành nơi đầu tiên ở miền nam thoát khỏi “bóng ma” pizzo, tức thuế bảo kê của mafia, được dư luận xem là một kỳ tích chưa từng có. Đáng nói hơn, đây chỉ là một thành phố nhỏ bé của tỉnh Napoli với hơn 55.000 dân.
Vượt lên quá khứ
Trong suốt thời gian dài, những nhà kinh doanh, buôn bán lớn bé ở Ercolano phải bấm bụng nộp tiền pizzo cho các băng nhóm Camorra từ 150-1.500 euro (hơn 4 triệu - hơn 41 triệu đồng)/tháng. Chẳng ai thoát được thuế bảo kê, từ lò bánh mì, cơ sở sửa xe, trạm xăng, tiệm cắt tóc… cho đến các công ty, thậm chí cả nhà thờ. Tờ El Mundo dẫn lời phóng viên địa phương Giuseppe Scognamiglio cho biết: “Nhiều năm trước, người dân Ercolano lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Các vụ ám sát xảy ra thường xuyên, bọn tội phạm cầm súng ngang nhiên đi trên đường hoặc quần đảo phố sá trên những chiếc xe bề thế có vũ trang”. Nhưng nay thì mọi chuyện đã là quá khứ. Thành phố Ercolano đã quyết định nói “basta” (“đủ rồi”) với Camorra. Đài phát thanh Radio Siani của ông Scognamiglio ra đời vào năm 2009 cũng nhằm mục đích chống lại mafia và bảo vệ luật pháp.
Người dân Ercolano biểu tình công khai chống tổ chức mafia Camorra - Ảnh: Altocasertano.com
Ngày nay, khách vãng lai sẽ dễ dàng thấy ngay lối vào thành phố tấm bảng đầy tự hào: “Ercolano, vùng đất không thuế bảo kê”. Tại một số cửa hiệu, người dân cũng tự tin dán những khẩu hiệu như: “Chúng tôi không chấp nhận bị lợi dụng”. Đây là những thông điệp mạnh mẽ trước hiện trạng mafia vẫn là một thế lực gây ảnh hưởng mạnh với kinh tế, chính trị, xã hội của Ý. Theo Tổ chức SOS Impresa, tập hợp những nhà kinh doanh chống pizzo, thuế bảo kê trên 160.000 công ty lớn nhỏ ở Ý mang lại cho mafia khoảng 10 tỉ euro mỗi năm.
7 năm kiên cường
Ercolano bắt đầu vùng lên từ sự kiện năm 2004 khi lần đầu tiên một nữ chủ cửa hiệu dám tố cáo việc mafia đòi thu tiền bảo kê. Nữ anh hùng ngày ấy Raffaella Ottaviano kể lại trên El Mundo: “Khi một kẻ có vẻ bề ngoài thật hung tợn ghé vào cửa hàng, đe dọa và đòi chi tiền, tôi đã rất sợ hãi. Nhưng tôi nghĩ cứ đóng cửa còn hơn lúc nào cũng thấp thỏm lo âu nên nói với hắn sẽ không nộp pizzo rồi đi thẳng đến đồn cảnh sát”. Hành động dũng cảm của bà Ottaviano gây ấn tượng mạnh với dân chúng Ercolano. Câu nói “Thà chết bằng một phát đạn hơn chết dần chết mòn bởi sự khủng bố” của bà đã trở thành lời động viên cho những ai muốn đương đầu với “vòi bạch tuộc”. Sự kiện này giúp dân địa phương vơi đi nỗi sợ hãi kinh niên về mafia.
Yếu tố mang tính bước ngoặt tiếp theo là việc ông Nino Daniele trở thành thị trưởng Ercolano năm 2005. Vào thời điểm đó, tình hình vẫn còn rất u ám: nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không chịu nổi gánh nặng pizzo, những ai phản kháng thì bị đe dọa, thậm chí đặt bom cửa hàng. Vị thị trưởng vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm sở lập tức lên kế hoạch hành động. Việc đầu tiên là xốc lại tinh thần các cộng sự của mình, giúp họ lấy lại niềm tin vào chính quyền và luật pháp.
Tiếp đó, Thị trưởng Daniele đưa ra hàng loạt thay đổi quan trọng, tấn công mạnh mẽ vào mafia. Ông hủy bỏ toàn bộ những hợp đồng của thành phố với các công ty bị nghi ngờ có liên quan đến Camorra, mở cuộc chiến chống lại việc tranh giành quyền lực trong ngành bất động sản của bọn tội phạm. Ông luôn đi đầu trong các cuộc biểu tình phản đối mafia hoặc ra tòa công khai làm chứng vạch mặt tội trạng của chúng. Để khuyến khích dân chúng, ông ra nghị định miễn mọi thuế địa phương trong 3 năm cho cơ sở kinh doanh nào dám tố cáo các vụ thu thuế bảo kê. Ngài thị trưởng còn lập Hội Chống sự áp bức của mafia do bà Raffaella Ottaviano làm chủ tịch.
Các biện pháp kiên quyết của ông Nino Daniele đã mang lại kết quả. Cho đến nay, 250 tên tội phạm đã sa lưới pháp luật và có 23 doanh nghiệp từng bị thu thuế bảo kê dám đứng lên vạch mặt chúng. Ercolano thật sự tìm thấy sự an bình, không còn ám sát, không còn các họng súng đầy đe dọa và pizzo cũng đã trở thành dĩ vãng.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
 Theo : http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120209/thanh-pho-hat-tieu-danh-bai-mafia.aspx
           
           

Danh sách Blog của Tôi

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ Blog

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũng tàu, Bà Rịa Vũng tàu, Vietnam