Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Trần Đăng Khoa: Vụ Hải Phòng, một bài học cay đắng

(VOV) - Hình như ông Vươn đã chọn phương án tồi tệ nhất này để gióng lên một tiếng chuông báo động, không phải báo động về vụ việc Đoàn Văn Vươn mà là vấn đề Đoàn Văn Vươn
Vụ Đoàn Văn Vươn, một tâm điểm nổi cộm, một cơn sốt nhức nhối, thu hút sự chú ý của người dân cả nước, dù nhiều việc vẫn còn phải tiếp tục, nhưng về cơ bản, mọi đen trắng cũng đã sáng tỏ qua buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ cùng với các cơ quan chức năng chiều 10/2 vừa qua. Có thể xem đó như một việc làm rất đẹp của Chính phủ.
Bằng kết luận rất thấu tình, đạt lý về vụ việc này, Thủ tướng đã truyền một thông điệp, cũng là sự nhắc nhở nghiêm khắc với tất cả  “công bộc” của dân: chính quyền ta là chính quyền của nhân dân, mọi công việc của chính quyền đều là phục vụ và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Những việc làm đi ngược lại lợi ích của nhân dân, bất chấp kỷ cương phép nước sẽ không được tha thứ.
Cũng có thể nói rằng, trong thời gian qua, Chính phủ ta đã làm được nhiều việc tốt đẹp. Và đẹp nhất là hai vụ việc rất cần được ghi nhận. Đó là cuộc giải cứu hơn 10.000 người Việt Nam trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở Libya. Lần đầu tiên, chúng ta đã tổ chức thành công đưa hơn một vạn người dân Việt Nam thoát khỏi lửa đạn. Một công việc không thể nói là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và những khó khăn chồng chất ở ta. Vậy mà chúng ta đã làm được, và làm được một cách ngoạn mục.
Mới đây nhất là vụ việc Tiên Lãng, Hải Phòng. Kết luận của Thủ tướng là hợp tình, hợp lý. Chính phủ đã thực sự vì dân, đã lấy dân làm gốc.
Còn nhớ cách đây hơn nửa tháng, khi vụ Đoàn Văn Vươn đang thành việc nổi cộm, gây nhức nhối trong dư luận xã hội, nhiều phóng viên đã tìm đến tôi, hỏi chuyện, dù tôi chỉ là một anh “nghệ sĩ a ma tơ”, nhưng lại quan tâm đến nông dân và viết nhiều về nông dân. Tôi đã nói rằng, ông Vươn sai thế nào thì rồi sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng ông Vươn không phải là một nông dân thuần túy, cũng không phải là người u mê, không hiểu pháp luật. Ông Vươn là  trí thức. Là kỹ sư, lại được quân đội rèn luyện trong những năm ở quân ngũ. Ông ta cũng không phải kẻ càn quấy, dám cả gan đối chọi với pháp luật. Tôi nghĩ rằng, đó là việc cực chẳng đã. Và ông ta rất hiểu cái giá mình sẽ phải trả. Biết vậy mà vẫn làm vậy. Một phản ứng tuyệt vọng và dại dột. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là cách ứng xử quẫn bách của một anh nông dân ở bước đường cùng. Nói gì thì nói, đây cũng vẫn là phương án tồi tệ nhất mà ông Vươn phải trả cái giá đắt nhất.
Nhưng hình như ông Vươn đã chọn phương án tồi tệ nhất này để gióng lên một tiếng chuông báo động, không phải báo động về vụ việc Đoàn Văn Vươn mà là vấn đề Đoàn Văn Vươn. Đó là vấn đề đất đai. Những khuất tất sau chuyện đất đai. Chính tiếng mìn tồi tệ của Đoàn Văn Vươn, đã làm ta giật mình, tỉnh ngộ để nhận ra rằng, sự việc không đơn giản như chúng ta nghĩ.
Hãy xem cách ông Vươn chọn luật sư bào chữa cho mình. Trong khi các cơ quan chức năng giới thiệu luật sư, rồi chính vợ ông Vươn cũng đã chọn luật sư. Nhưng ông đều từ chối hết, dù những người đó đều ủng hộ ông, muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp tới cùng cho ông. Nhưng ông Vươn chỉ chọn duy nhất một luật sư thôi, và đó là người rất hiểu ông ta, hiểu được lý do vì sao ông ta phạm tội.
Ông Vươn đã trả lời phóng viên Dân Trí: “Tôi có đủ trình độ hiểu biết nhận thức rõ về sai phạm của bản thân, song tôi muốn bào chữa rõ cho tôi về nguyên nhân tôi sai phạm. Tôi đề nghị cho phép tôi được mời đích danh luật sư Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Công ty Luật Đông Đô, Hà Nội, là người bào chữa cho tôi trong quá trình tôi chấp hành điều tra xét xử”.
Vấn đề là như vậy. Đây là một bài học cay đắng. Thật tiếc cho gia đình ông Vươn và cũng tiếc cho những người quản lý ở địa phương. Thực tình, câu chuyện này không có gì là mới. Những việc tương tự như thế này cũng đã từng xảy ra. Theo các nhà phân tích, có đến 70% các vụ việc khiếu kiện đều liên quan đến chuyện đất đai. Theo Giáo sư Tương Lai, nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, không phải từ những người “đày tớ của dân” mà là “những ông trời con” đang nắm “cán cân công lý”, làm cho pháp luật muốn nghiêng bên nào cũng được.
Có thể lấy thêm ví dụ là vụ Ba Sương, anh hùng thời kỳ Đổi mới cả cha lẫn con trên Nông trường Sông Hậu, được phong tặng danh hiệu “người phụ nữ tiêu biểu của Châu Á”, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Vì một lý do không rõ ràng, người phụ nữ ấy bị đẩy vòng lao lý hơn 4 năm trời, để rồi trước sức ép của dư luận, vụ án này đã bị đình chỉ.
Nhưng dù sao thì Ba Sương cũng là người có “danh phận” nổi trội để có thể gọi dậy dư luận, còn biết bao thân phận thấp cổ bé miệng khác thì biết kêu ai?, như bà Vũ Thị Hải ở Nho Quan, Ninh Bình mà báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 30/1/2012 vừa nêu. Bà Hải cùng chồng khai hoang, trồng rừng, chồng chết vì tai nạn lao động lúc đào đất, nhưng rồi đất khai hoang của hai vợ chồng bà bị cướp sạch, để rồi bà Hải lại trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất rừng vợ chồng bà khai hoang giờ đây chủ mới là ông... Bí thư xã!
So với bà Hải và rất nhiều người dân đau khổ, oan ức còn chìm khuất khác, ông Đoàn Văn Vươn còn có phần may mắn hơn, vì được công luận chú ý và đích thân người lãnh đạo cao nhất của Chính Phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vào cuộc và mọi việc đã được sáng tỏ.
Nhưng rồi, chả lẽ, việc gì ở địa phương, muốn giải quyết được dứt điểm, Thủ tướng cũng lại phải “xắn tay” trực tiếp lội ruộng ư? Qua vụ việc cụ thể này, mới biết nhiều cán bộ ở cơ sở của chúng ta rất yếu kém. Một việc cỏn con như thế mà không làm được, lại để phình ra thành vấn đề lớn, đã vượt ra ngoài khuôn khổ cụ thể, đe dọa đến cả sự ổn định của quốc gia.
Dư luận cũng ủng hộ cách xử lý của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, nhưng đằng thẳng mà nói, cách xử lý ấy còn quá chậm, và điều đáng buồn là việc xử lý lại chỉ diễn ra sau khi Thủ tướng đã vào cuộc. Giả sử nếu Thủ tướng không vào cuộc, không yêu cầu Hải Phòng phải trả lời 3 vấn đề thì Hải Phòng có “ra tay” ngay không?
Đành rằng việc xử lý sai phạm phải có “quy trình”, nhưng nếu quy trình mà cứ trùng trình thì chính quyền có yên được không khi lòng dân đang sôi sục? Hơn 800 bài báo viết về vụ việc, rồi đích danh Phó Chủ tịch Thành phố nói loanh quanh rồi đổ tội cho dân phá nhà ông Vươn, chả lẽ Lãnh đạo Thành phố lại không biết?
Theo Ttrung tướng Nguyễn Quốc Thước, vụ Tiên Lãng chỉ là một vụ việc đơn giản. Từ thế kỷ trước, năm 1992 đã diễn ra việc tranh chấp đất đai kéo dài giữa hai xã thuộc huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An, dẫn đến tình trạng lãnh đạo hai xã huy động lực lượng dân quân vũ trang do hai xã đội trưởng chỉ huy xây dựng công sự hầm hào để bảo vệ vùng đất tranh chấp. Đã xảy ra đấu súng giữa hai bên. Huyện, tỉnh không thể vào tiếp cận được, cán bộ nào vào cũng đều bị bắt giữ, làm tắc nghẽn tê liệt giao thông Quốc lộ Một.
Cán bộ tỉnh còn yêu cầu tướng Thước đưa xe tăng vào can thiệp. Nhưng tướng Thước đã bàn lại với lãnh đạo tỉnh. Quân đội sinh ra để đánh địch chứ sao lại đánh dân? Nếu không may nổ súng chết một người dân thì sự việc không dừng lại ở việc tranh chấp mấy mảnh ruộng con mà sẽ biến thành một vấn đề chính trị lớn.
Và rồi thay cho súng đạn, xe tăng, ông chỉ cử một Đại tá Tham mưu trưởng, không mang theo vũ khí, chỉ với một cái loa pin, đến giải thích cho dân hiểu rồi cùng dân giải quyết mọi vấn nạn. Và rồi, với tư cách của một người lãnh đạo vũ trang, đại tá hạ lệnh hai bên buông súng. Ngòi nổ đã được tháo kíp an toàn.
Bản chất nông dân rất tốt. Chẳng ai có thể tốt hơn dân. Vì thế bây giờ, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, đất nước đã yên hàn mà người dân lại thấy bất an là chúng ta có lỗi. Trong tòa án lương tâm này, chẳng ai vô can cả.
Mọi việc làm của Đảng và Chính phủ cũng đều hướng đến dân.
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giải quyết vụ Tiên Lãng là một việc làm rất đẹp. Văn phòng Chính Phủ cũng đã có Cổng thông tin Điện tử, để minh bạch mọi công việc của mình cho Dân biết. Nhân dịp này, tôi thiết tha đề nghị Thủ tướng mở một con đường điện tử dành riêng cho dân, để bất cứ một người dân oan ức nào cũng có thể đến được với Thủ tướng và những đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước chỉ bằng một cú “nháy chuột”.
Có như thế, nói theo ngôn ngữ Giáo sư Tương Lai, các ông “Trời con” sẽ bớt tác oai tác quái, vì những việc làm khuất tất có thể sẽ được dân báo cho những người Lãnh đạo cao nhất. Nhờ thế, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và chúng ta mới thực sự lấy lại được niềm tin của đông đảo nhân dân./
Trần Đăng Khoa

Không có nhận xét nào:

Danh sách Blog của Tôi

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ Blog

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũng tàu, Bà Rịa Vũng tàu, Vietnam