Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

10 đặc điểm của nhà văn già Phạm Tiến Duật.



10 đặc điểm của nhà văn già 

    
 Con người ta , theo nhận xét của tôi, tuổi già đến muộn ở đôi mắt và đến sớm ở lưng. Có anh thanh niên hơi nhiều tuổi ở cỡ 70 mà mắt vẫn long lanh, như muốn chinh phục kẻ khác giới. Thế mà có cụ già ở tuổi 30 lưng đã hơi còng. Nói như Adit Nêxin, chỉ cần nhìn tuổi con người ở đế giày. Giày mòn ở gót là còn trẻ, giày mòn ở mũi là đã già. Kẻ hay khúm núm thường mòn giày ở phần mũi. ...

Ấy là nói về thân thế. Nếu xét trên ứng xử, người già là người bắt đầu nhầm lẫn về thời gian và không gian. Chỗ đáng nói dài lại nói ngắn, chỗ đáng nói ngắn lại nói dài. Khi tôi nhận xét thế thì một bạn tôi phản đối, anh ta bảo rằng người đời già hay trẻ là ở độ dũng cảm trong cử chỉ. Có những người tóc bạc trắng mà còn đám chịu trách nhiệm trước thiên hạ, nói năng cử chỉ rất quyết đoán. Thế mà có người cái dáng thì trẻ trung, mà cử chỉ ứng xử lại hèn kém, cái gì cũng sợ liên luỵ đến mình. Bao nhiêu hiểu biết tích tụ một đời chỉ đem ra để ngăn cản đám đi sau mình, sợ nó vượt trội hơn mình.

Nói thế để nói công việc của Bộ Nội vụ ( Ban Tổ chức của Chính phủ) khó khăn thế nào. Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, nghỉ. Làm thế dễ quá, chọn người tài, dùng người tài ai lại làm thế. Cái dễ là ở kết luận trên: Kẻ nào hèn kém, nhút nhát, luôn sợ vạ đến mình là kẻ già, không cần biết bao nhiêu tuổi, cho nghỉ.

Có một lần tôi hỏi nhà văn Vũ Ngọc Phan, khi ấy cụ đã 80 tuổi rằng, cánh đàn ông ta cái sự kia bao gìơ thì hết. Cụ cười, bảo rằng đến lúc chết. Và bày cho tôi một vài kỹ thuật cần có trong sự ấy khi cao tuổi. Lại có ông già gần 80, làm nghề hớt tóc, trong khi cạo gáy cho tôi có bày cho tôi một kỹ thuật chống già : trong phòng the nên có  mấy sợi tóc tết lại như một cái lông gà, khi làm việc ấy thì lẳng lặng ngoáy vào tai mình, làm thế, dù già cũng thành trẻ.  Nhiều đêm tôi bí thơ, bí văn, tôi bâng khuông nghĩ : liệu đem mấy sợi tóc kia ngoáy vào tai có thể khai thông được mạch thơ, mạch văn không ?

Vâng, có thể ngoáy tai để thông mạch văn một lúc nhưng  dù sao đi nữa có phải lúc nào cũng có thể ngoáy tai được đâu. Tôi đem câu chuyện ấy bàn với một số nhà văn tuổi còn trẻ và cố gắng tìm cách trả lời câu hỏi, thế nào là một nhà văn già và đi đến những kết luận sau đây:

    1. Nhà văn già là người trên 20 tuổi mà tư tưởng cằn cỗi, toàn nói theo người khác, chẳng có gì sáng tạo.
    2. Nhà văn già là người thích đề tặng và chú thích.
    3. Nhà văn già là người thích chứng minh mình trẻ
    4. Nhà văn già là người thích quản lý người khác mà lại không quản lý chính mình.
    5. Nhà văn già là người cái gì cũng chê, chỉ không biết chê chính cái mình viết ra.
    6. Nhà văn già là người thích rượu hơn thích văn.
    7. Nhà văn già là người thích chê bai xã hội, cái gì cũng chê, phàn nàn đủ thứ, tỏ ra mình là người lịch lãm.
    8. Nhà văn già là người thích sống trên danh vọng qúa khứ, coi đó là cái lô cốt để bắn bỏ cái mới, cái đang phát triển.
    9. Nhà văn già là người thích làm thơ tình, cứ làm như mình có rất nhiều mối tình sôi sục.
   10. Nhà văn già là người có nhiều bút nhưng hết mực.

Và chúng tôi cũng ra một nghị quyết, nói rằng, bất kỳ nhà văn bao nhiêu tuổi mà không phạm vào mười điều đã nêu thì vẫn còn trẻ, dù là ở tuổi 90. Cho nên, Hội Nhà văn Việt Nam mới lập một Ban công tác các nhà văn cao tuổi là ý tứ lắm. Cao tuổi chứ không phải già.

Phạm Tiến Duật.

Không có nhận xét nào:

Danh sách Blog của Tôi

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ Blog

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũng tàu, Bà Rịa Vũng tàu, Vietnam