Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Mong ước cuối cùng


Nhà văn Phù Thăng:
“Mong ước cuối cùng...”
Lần thứ hai tôi và ông Nguyễn Ngọc Châu (người bạn chiến đấu cùng thời với ông và là Thủ trưởng cũ của tôi) đến thăm nhà văn Phù Thăng vào cuối thu 2006. Lần trước vào mùa hè năm 2005, nhà văn đang ốm nặng, phải tiếp nước, tiếp đạm tại giường. Tuy vậy, ông vẫn bảo người con trai út lấy tập Trường ca “Hoa vạn thọ” mới tái bản tặng tôi và ông Nguyễn Ngọc Châu.
Tôi đã đọc đi đọc lại trường ca này. Người viết rất tâm huyết, có chương đọc xong lòng cứ rưng rưng. Sau khi pha nước, bổ cam, bưởi hái từ vườn nhà ra mời chúng tôi, ông bảo: “Nhà thơ có bài nào mới sáng tác đọc cho mình nghe với. Lâu lắm rồi ít đọc sách báo, vả lại cứ đau ốm luôn”. Nể quá, tôi đọc cho ông và ông Châu nghe bài “Tôi và bây giờ” mới sáng tác tháng trước. Nghe xong, ngẫm nghĩ một lát, ông gật gù: “Được... được! Cậu đọc lại hai câu cuối cho mình nghe lại được không?”. Tôi đọc chậm rãi hơn: “Tôi mua cái đạo làm người/ Không bán mà lỗ cả đời. Lạ chưa!”. Nghe tôi đọc xong, ông ngẫm nghĩ một lát rồi nói rất nhỏ nhẹ: “Khá. Khá lắm!”. Tôi liền thưa: “Trong trường ca của anh, nhiều câu chữ còn lấp lánh, hàm ý sâu xa hơn nhiều...”. Ông nhẹ nhàng: “Đừng nói thế, lớp trẻ các cậu (so với ông tôi còn trẻ, song đã ở đội ngũ U60 rồi) bây giờ được học bài bản, có điều kiện tiếp xúc với văn thơ thế giới. Bởi vậy, thơ có nhiều phát hiện trong ý tứ, nhiều câu chữ cứ lóe lên. Đọc xong là nhớ, nhớ lâu.
Lớp cầm bút chúng mình cũng học được nhiều điều lắm chứ”. Ông ngừng ngắn như để chiêm nghiệm một điều gì đó. Đoạn ông nói như tự sự với chính mình: “Hậu sinh khả úy. Giá mà tất cả những người cầm bút thế hệ trẻ có trách nhiệm với từng câu chữ của mình như thế này thì quý biết bao”. Rồi ông cười: “Tuổi già, sức yếu hay ước lắm. Biết đâu, đây là mong ước cuối cùng của mình thì sao?”. Một nhà văn từng gây dấu ấn một thời như ông mà nói vậy, quả là khiêm tốn.
Cùng chúng tôi ăn cam, bưởi, uống nước xong, ông nhìn về phía tôi, đôi mắt thật hiền: “Cậu chép cho tớ bài thơ này đi. Có giấy bút chưa?”. Tôi ngại quá, tìm cách từ chối khéo, nghe chừng ông không vui. Cử chỉ ấy, một lần nữa nói lên sự khiêm tốn nhất mực của ông...
Bây giờ nhà văn Phù Thăng đã về cõi vĩnh hằng (ông mất ngày 21-2-2008) nhưng sự khiêm tốn của ông thì còn mãi mãi trong tôi.
Xuân Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Danh sách Blog của Tôi

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ Blog

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũng tàu, Bà Rịa Vũng tàu, Vietnam