Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Nghề “phu” xe đạp thồ trên đất Cố đô

Bất kể dưới cái nắng oi ả của mùa hè hay những cơn mưa dầm kèm theo cái lạnh cắt da, cắt thịt nhưng hàng trăm con người ở thành phố Huế hằng ngày vẫn cặm cụi trên chiếc xe đạp cũ kỹ chở khách hoặc hàng hóa cao chất ngất giữa phố thị tấp nập để mưu sinh. Đó là nghề “phu” xe đạp thồ.

Người làm nghề xe đạp thồ phải có sức khỏe dẻo dai để chở khách trên những đoạn đường dài với vận tốc nhanh.
Vòng quay mưu sinh.
Cách đây khoảng hơn chục năm, khắp các tỉnh, thành miền Trung từ nhà ga, bến xe hay các khu vực đông dân cư, đâu đâu cũng gặp xe đạp thồ phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng vài năm trở lại đây, xe đạp thồ dần bị thay thế bởi những chiếc xe  máy “ôm”, vừa nhanh chóng lại vừa tiện lợi. Bây giờ có lẽ duy nhất ở Huế mới có nghề xe đạp thồ.
  Ở thành phố Huế, những người làm nghề xe đạp thồ thường tập trung ở các chợ lớn như An Cựu, Đông Ba, Tây Lộc hay ở các bến xe, bến tàu. Những chiếc xe đạp thồ được trang bị vành khung khá chắc chắn để có thể vừa chở được người, vừa chở được hàng hóa với khối lượng lớn.


Người làm nghề “phu” xe đạp thồ không phân biệt bất cứ loại hàng hóa nào, miễn là có hàng chở và kiếm được chút ít
Trời vừa hửng sáng, chợ Đông Ba nằm trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, TP Huế lại bắt đầu tấp nập, huyên náo kẻ bán người mua. Ngay phía trước khu chợ là nơi tập trung của hàng trăm con người với chiếc xe đạp gác cũ kỹ, lại chuẩn bị cho một ngày mưu sinh mới. Những chiếc xe đạp được trang bị chiếc yên phía sau và nối dài bằng những tấm ván nối dài khoảng vài gang tay. Phía trước mỗi xe đều được trang bị những chiếc giỏ để đựng một số vật dụng cá nhân nhỏ.
Người làm nghề này chủ yếu là những người đàn ông chừng 35 - 50 tuổi, có sức khỏe dẻo dai để hằng ngày có thể đạp được trên quãng đường dài vài chục cây số. Cái nghề này muốn kiếm được đồng tiền thật không dễ chút nào. Vừa phải bốc hàng cho khách rồi chở đến tận nơi. Nhiều hôm, có những người làm nghề này chẳng có lấy một khách nên đành ra về tay trắng.

Tranh thủ lúc vắng khách,  những “phu” xe đạp thồ lại chụm năm, chụm bảy trò chuyện về cuộc sống gia đình cũng như công việc mà mình đang theo đuổi. Ông Nguyễn Đình Yến (55 tuổi) ở đường Chi Lăng, TP Huế tâm sự : “Tui làm nghề xe thồ này đến nay cũng đã hơn 20 năm rồi. Cái nghề này cực nhọc, vất vả lắm chú ơi. Hằng ngày phải đi sớm về khuya đến các chợ để kiếm khách, chở hàng kiếm vài đồng cho qua ngày. Chở khách hay hàng hóa thì quãng đường khoảng 5 cây số cũng chỉ kiếm được 5.000 đồng. Nếu chịu khó thì mỗi ngày một người cũng chỉ được 50.000 đồng...”

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bất cứ hàng hóa nào mà khách cần thuê thì những phu xe đạp thồ đều chở cả. Gần thì xung quanh trong thành phố. Nhiều khi những người phu xe còn đạp ra tận các huyện bên ngoài thành phố, cách xa hàng vài chục cây số. Ngoài những tiểu thương thuê chở hàng thì khách hàng chủ yếu là những người nghèo. Đó là các bà, các chị buôn bán các mặt hàng nhỏ, lẻ hay những người dân nghèo đi chợ. Và xe đạp thồ được ví là nghề của người nghèo, người đạp xe cũng nghèo, người ngồi cũng nghèo và rất ít khi mặc cả.

Anh Trần Văn Phong (48 tuổi) ở phường Kim Long, TP Huế, làm “tài xế” xe đạp thồ gần 10 năm ở chợ Đông Ba cho hay, gia đình anh có năm người, ba đứa con và hai vợ chồng.Vợ anh hằng ngày làm nghề buôn bán ở chợ nhưng cũng chẳng đủ nuôi ba đứa con đang ở độ tuổi ăn học. Hoàn cảnh gia đình anh hết sức khó khăn nên chiếc xe đạp cũ kỹ là phương tiện mưu sinh để nuôi cả nhà.
“Mỗi ngày tui thồ khoảng gần 40 km, cũng chỉ kiếm được hơn 40 nghìn đồng. Hôm nào mà ế, thậm chí còn chẳng được đồng nào. Cách đây khoảng 10 năm thì xe đạp thồ được chuộng lắm nhưng giờ phương tiện nhiều nên họ hay đi xe ôm. Làm nghề ni phải có sức khỏe chứ nếu mà ốm đau thì coi như chết đói...” – anh Phong thở dài rồi nói.


Những lúc rãnh rỗi hay chờ đợi khách, “phu” xe đạp thồ ở chợ Đông Ba, TP Huế lại tụm năm, tụm bảy lại kể chuyện nghề, chuyện cuộc sống.
Khi được hỏi, tại sao thồ người và hàng hóa đi quãng đường xa như vậy mà tiền công lại rẻ rúm đến như vậy, anh Hoàng Tiến, có thâm niên làm phu xe đạp thồ gần 15 năm nhanh nhảu giải thích, “vì những người đi xe hay thuê chở hàng chủ yếu là những người nghèo, không có nhiều tiền nên họ đưa bao nhiêu mình cũng phải nhận. Với lại đi xe đạp chẳng hao tốn chút xăng nào. Xe đạp thồ bây giờ lỗi thời quá rồi nhưng mình không có vốn thì đành chịu chứ biết sao?”
Có lẽ, thành phố Huế là nơi duy nhất còn tồn tại một lượng lớn những “phu” xe đạp thồ. Theo thống kê của Ban quản lý chợ Đông Ba thì hiện nay có gần 100 người làm nghề xe đạp thồ để  mưu sinh tại khu chợ này. Họ cũng chia thành các nhóm và đăng ký hoạt động như những ngành nghề khác và cũng có sự quản lý chung của nghiệp đoàn.

Nghiệp đoàn xe đạp thồ
Hầu hết những người làm nghề “phu” xe đạp thồ ở khu chợ Đông Ba đều có một điểm chung là họ đều đã lớn tuổi. Người ít nhất thì cũng đã 40 tuổi, lớn hơn nữa là 48 rồi 50. Nhiều tuổi, lại nghèo nên họ không tìm được việc khác, đành chấp nhận trụ lại với nghề này. Nhiều người đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, tóc bạc phơ vẫn gò lưng đạp từng vòng xe nặng nhọc.

Trước đây chuyện ẩu đã, cãi nhau tranh giành khách xảy ra hằng ngày như cơm bữa. Tuy nhiên, từ khi có sự quản lý của nghiệp đoàn xe thồ thì hoạt động lại đi vào nề nếp. Thậm chí, những “phu” xe đạp thồ họ xem nhau như là anh em một nhà. Mỗi người đều có một lãnh địa riêng và hoạt động theo nhóm dưới một nội quy chung được cả nghiệp đoàn đưa ra. Bên cạnh đó, khi tham gia vào nghiệp đoàn, họ được đóng bảo hiểm, được thăm nhau mỗi khi ốm đau và tương trợ lẫn nhau.



Chiếc xe đạp thồ là “cần câu cơm” của hàng trăm con người trên mảnh đất Cố đô
Anh Nguyễn Trường Long, thành viên nghiệp đoàn xe thồ chợ Đông Ba cho biết, để đảm bảo an ninh trong hoạt động và tiện quản lý những người làm nghề xe đạp thồ, tránh việc tranh giành khách làm mất mỹ quan thành phố, đảm bảo an ninh, nghiệp đoàn xe thồ Đông Ba được thành lập cách đây mấy năm. Khi có ai ốm đau, nghiệp đoàn đều tới thăm hỏi, hỗ trợ từ tiền được đóng góp của mọi người.
Bên cạnh đó, những người làm nghề này ở chợ Đông Ba cũng tự biết phân công nhau theo chuyến, chưa đến lượt mình thì nhường khách cho người khác.

Cũng theo anh Long, các anh em trong nghiệp đoàn cũng đã có đời sống ổn định hơn, dù thu nhập không nhiều nhưng mỗi người cũng kiếm được vài chục ngàn đồng một ngày công, tạm trang trải cuộc sống nghèo khó.

Từ khi có nghề xe ôm xuất hiện, xe đạp thồ ở Huế dần bị lép vế bởi xe ôm vừa tiện lại vừa nhanh. Nhiều người đã dần chuyển nghề sang làm xe ôm khi đã có điều kiện sắm được chiếc xe máy. Tuy nhiên, ở Huế vẫn còn rất nhiều người vẫn trụ lại với nghề “phu” xe đạp thồ, hằng ngày họ vẫn gồng lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ để mưu sinh, bởi bên cạnh những chuyến xe là cả gánh nặng cơm áo, gạo tiền của gia đình.


Thanh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Danh sách Blog của Tôi

Bài đăng phổ biến

Lưu trữ Blog

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Vũng tàu, Bà Rịa Vũng tàu, Vietnam